Giải Nobel Vật lý 2021 về tay ai?
Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi là 3 nhà khoa học giành giải Nobel Vật lý năm nay.
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) thông tin, bộ ba nhà khoa học quốc tế đã đoạt giải Nobel Vật lý 2021 vì những nghiên cứu tiên phong có tính đột phá trong vòng 60 năm trở lại đây về việc dự đoán biến đổi khí hậu và giải mã các hệ thống vật lý phức tạp từ vi mô đến vĩ mô.
Cả ba nhà khoa học đều có đóng góp to lớn cho chúng ta.
Bộ ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2021 (từ trái sang): Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi. Ảnh: AP
1. Giải Nobel Vật lý 2021 cho công trình về hệ thống vật lý phức tạp
Một nửa giải thưởng Nobel Vật lý đáng mơ ước (tổng giải thưởng là 1,15 triệu USD) đã được trao cho Tiến sĩ, nhà vật lý lý thuyết người Ý Giorgio Parisi, 73 tuổi, của Đại học Sapienza ở Rome vì đã “khám phá ra tác động qua lại của sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến hành tinh”.
Cụ thể, Tiến sĩ Giorgio Parisi tìm ra “quy tắc ẩn” đằng sau các chuyển động và xoáy có vẻ ngẫu nhiên trong chất khí hoặc chất lỏng và quy tắc đó cũng có thể được áp dụng cho các khía cạnh của khoa học thần kinh, học máy (Machine learning), Reuters thông tin thêm.
Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nơi công bố giải Nobel hàng năm, cho biết công trình của ông giúp mô tả các hiện tượng dường như ngẫu nhiên trong các lĩnh vực từ vật lý và khoa học thần kinh đến học máy (Machine learning).
2. Giải Nobel Vật lý 2021 cho công trình nghiên cứu biến đổi khí hậu
Một nửa giải thưởng Nobel Vật lý còn lại được trao cho Syukuro Manabe, một nhà khí tượng học cao cấp tại Đại học Princeton (Mỹ), và Klaus Hasselmann tại Viện Khí tượng Max Planck của Đức ở Hamburg cho công trình độc lập của họ về mô hình khí hậu Trái đất.
Nhà khí tượng người Mỹ gốc Nhật Syukuro Manabe, 90 tuổi và Klaus Hasselmann, 89 tuổi, cùng được vinh danh vì tạo ra “mô hình vật lý của khí hậu Trái đất, định lượng sự biến đổi và dự đoán đáng tin cậy sự nóng lên toàn cầu”, theo bản tin từ Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Cả hai người đều thực hiện công việc tiên phong trong những năm 1960 và 1970 nhằm gióng lên hồi chuông báo động sớm về sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra. Liên Hợp Quốc trước đó đánh giá, biến đổi khí hậu là thảm họa tác động mạnh mẽ nhất đến sức khỏe con người.
Công trình của Syukuro Manabe vào những năm 1960 đã chứng minh mức độ gia tăng của carbon dioxide (CO2) trong khí quyển khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên như thế nào. Khi làm như vậy, ông đã “đặt nền móng cho sự phát triển của các mô hình khí hậu hiện tại”, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết. Một thập kỷ sau, Klaus Hasselmann “tạo ra một mô hình liên kết thời tiết và khí hậu với nhau.”
Klaus Hasselmann, hiện đang làm việc tại Viện Khí tượng Max Planck ở Hamburg, nói với Reuters từ nhà của mình rằng: “Đây là một điều tuyệt vời. Tôi thậm chí còn không muốn thức dậy sau những gì tôi cảm nhận đó là một giấc mơ đẹp”.
Được các nhà báo Mỹ và Nhật Bản phỏng vấn tại nhà riêng, Syukuro Manabe cho biết ông tin rằng giải thưởng của mình phản ánh sự công nhận của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đối với biến đổi khí hậu, điều mà theo ông là sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều đợt hạn hán, mưa xối xả, sự nóng lên của các khối đất và sự tan chảy của băng ở vùng cực.
Quyết định của ủy ban công nhận công trình tiên phong về biến đổi khí hậu được đưa ra vài tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại COP26, hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh diễn ra vào tháng 10 và 11 tới.
(Từ trái sang) Thành viên Ủy ban Nobel Vật lý Thors Hans Hansson, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran K. Hansson, và thành viên Ủy ban Nobel Vật lý John Wettlaufer công bố những người đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2021 tại Học viện Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, Thụy Điển ngày 5 tháng 10 năm 2021. Ảnh: Pontus Lundahl / TT News Agency via REUTERS
David Pendlebury, một nhà phân tích cấp cao thuộc Viện nghiên cứu thông tin khoa học Clarivate (Mỹ) nhận định: Cùng nhau [những người đoạt giải Nobel Vật lý 2021] đã đặt nền tảng kiến thức cho chúng ta về khí hậu Trái đất và cách loài người ảnh hưởng đến nó, cũng như cách mạng hóa lý thuyết về các vật liệu rối loạn và các quá trình ngẫu nhiên”.
Trước đó, vào thứ Hai ngày 4/10, giải Nobel Y học đã được trao cho David Julius và Ardem Patapoutian vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác (đọc tại đây).
Trong các ngày tới, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố các giải Nobel còn lại, cụ thể:
Giải Nobel Hóa học sẽ được công bố vào thứ Tư ngày 6/10.
Giải Nobel Văn học sẽ được công bố vào thứ Năm ngày 7/10.
Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào thứ Sáu ngày 8/10.
Giải thưởng Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào thứ Hai, ngày 11/10.
News
End of content
No more pages to load